Tiểu đường là bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng lại biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về cách chẩn đoán và đối tượng cần tầm soát tiểu đường nhé.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là tình trạng tăng glucose trong máu. Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Việt Nam có đến 55% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.
Tình hình kiểm soát bệnh ở Việt Nam còn nhiều thách thức khi chỉ có hơn 31% người bệnh được chẩn đoán tiểu đường. Trong số bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có gần 29% người được điều trị.

Chẩn đoán tiểu đường
Theo Hiệp Hội Tiểu đường Mỹ, chẩn đoán tiểu đường sẽ 4 tiêu chuẩn sau đây.
Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc) ít nhất 8 giờ. Thông thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ.
Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose olerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)
Nghiệm pháp này phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Bệnh nhân cần nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp. Dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút. Trong 3 ngày trước đó, bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrat mỗi ngày.
HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol)
HbA1c là một loại hemoglobin đặc biệt kết hợp giữa hemoglobin và đường glucose. Chỉ số HbA1c đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu. Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần. Nếu đo HbA1c tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo 2 lần để chẩn đoán.
Chẩn đoán tiền tiểu đường
Chẩn đoán tiền tiểu đường khi có một trong các rối loạn sau đây:
– Rối loạn glucose huyết đói (impaired fasting glucose: IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc
– Rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance: IGT): Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc
– HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).
Tuy nhiên, những tình trạng rối loạn này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán tiểu đường.

Đối tượng cần được tầm soát tiểu đường
Các đối tượng có nguy cơ sau cần được tầm soát:
Người lớn có chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2, hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ sau:
- Ít vận động thể lực.
- Gia đ́nh có người bị tiểu đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột).
- Tăng huyết áp
- Nồng độ HDL cholesterol <35 mg/dl (0,9 mmol/L) và/hoặc nồng độ triglyceride > 250 mg/dL (2,82 mmol/L).
- Vùng bụng to: ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm
- Phụ nữ bị buồng trứng đa nang.
- Phụ nữ đã mắc tiểu đường thai kỳ.
- HbA1c ≥ 5,7% (39 mmol/mol), rối loạn glucose huyết đói hay rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó.
- Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo ph́ì, dấu gai đen.v.v.v.).
- Tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
- Ở bệnh nhân không có các dấu hiệu/triệu chứng trên, bắt đầu thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm tiểu đường ở người ≥ 45 tuổi.