Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Bệnh sẽ phải điều trị suốt đời nếu không sẽ bị biến chứng nguy hiểm.
Tiểu đường tuýp 1 là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tiểu đường tuýp 1 (Type 1 diabetes) hay còn được gọi là tiểu đường vị thành niên. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Trong bệnh tiểu đường loại 1, tuyến tụy của người bệnh sản xuất ít hoặc không có insulin. Do đó, người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.
Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần của tuyến tụy sản xuất insulin. Lý do tấn công vẫn chưa tìm được lời giải thích.
Giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Sau đó, số lượng các tế bào sản xuất insulin bị ảnh hưởng đủ đến mức bắt đầu gây ảnh hưởng đến lượng insulin được sản xuất. Lượng insulin thấp làm lượng đường trong máu tăng. Lúc này, các triệu chứng của bệnh tiểu đường bắt đầu xảy ra.
Tiểu đường tuýp 1 là bệnh tự miễn. Đo đó, những người mắc các bệnh tự miễn khác như bệnh Hashimoto hoặc suy tuyến thượng thận nguyên phát (còn gọi là bệnh Addison) cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này.

Triệu chứng bệnh
Những triệu chứng của bệnh có thể diễn biến rất nhanh, bao gồm:
- Khát nước nhiều
- Nhanh đói mặc dù mới ăn xong
- Khô miệng
- Đau bụng và nôn
- Đi tiểu thường xuyên
- Giảm cân không rõ nguyên nhân dù bạn đang ăn rất nhiều và thường xuyên cảm thấy đói
- Mệt mỏi
- Nhìn mờ
- Thở hít vào nhanh, sâu
- Dễ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc âm đạo
- Hay cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng
- Đái dầm vào ban đêm ở trẻ trong khitrước đó trẻ không có đái dầm
Dấu hiệu cấp cứu:
- Lú lẫn
- Thở nhanh
- Có mùi trái cây trong hơi thở
- Đau bụng
- Mất ý thức nhưng ít khi xảy ra
Người bệnh có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có thắc mắc về các dấu hiệu bệnh.

Cách chẩn đoán bệnh
- Đường huyết bất kì >11,1 mmol/l, kèm triệu chứng của tăng đường huyết như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân quá mức…
- Đường huyết lúc đói (nhịn ăn >8-14h) >7 mmol trong 2 buổi sáng khác nhau
- Nghiệm pháp tăng đường huyết: Đường huyết 2h sau khi uống 75g glucose >11,1 mmol/l
- HbA1C (định lượng bằng phương pháp sắc kí lỏng) >6,5%
Ngoài ra còn có 1 số chẩn đoán khác:
- Tuổi khởi phát <30, triệu chứng rầm rộ, tiền sử gia đình có người từng bị bệnh, người mắc các bệnh tự miễn khác.
- Xét nghiệm có kháng thể kháng đảo tụy, định lượng insulin trong máu thấp hoặc bằng 0.
- Các xét nghiệm khác như Cholesterol, HDL-C, LDL-C, Triglycerid, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tìm protein niệu, xét nghiệm nước tiểu 24h
- Soi đáy mắt để tìm các tổn thương võng mạc
- Điện tâm đồ để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành.